Thứ 6, 22/11/2024, 07:09 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Tiêu dùng trong tuần (từ 26/7-1/8/2021): Giá thịt lợn bất ngờ tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg

Tiêu dùng trong tuần (từ 26/7-1/8/2021): Giá thịt lợn bất ngờ tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg
(Tieudung.vn) - Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, thịt lợn, thịt bò, rau xanh đồng loạt tăng mạnh; trong khi xăng dầu, trái cây, tỏi Lý Sơn, tôm càng xanh, cua biển rớt giá thê thảm.

Giá vàng tăng mạnh

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.814 USD/ounce, giảm 16 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Tuần qua, vàng chịu tác động của các thông tin kinh tế ở nhiều khu vực trên thế giới. Đầu tuần thị trường chờ đợi thông tin từ Cục dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) và Bộ Thương mại Mỹ công bố tăng trưởng kinh tế của quốc gia này. Cả Fed và Bộ Thương mại Mỹ đều cho biết nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có tăng trưởng tốt 6,5% trong quý 2/2021 so với cùng kỳ năm trước, thậm chí ấn tượng hơn cả trước khi có dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, mức tăng này còn xa với kỳ vọng là 8,5%. Fed vẫn giữ quan điểm ôn hòa là không thay đổi lãi suất đồng USD và chưa hạ khối lượng mua trái phiếu doanh nghiệp. Fed nhận định, lạm phát có thể tăng cao hơn và kéo dài hơn so với dự kiến khi nền kinh tế Mỹ phục hồi sau suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra.

Tiêu dùng trong tuần (từ 26/7-1/8/2021): Giá thịt lợn bất ngờ tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Những thông tin kinh tế từ Mỹ đã giúp vàng thế giới tăng mạnh giá vào giữa tuần. Sau 3 phiên tăng giá liền, đêm qua và sáng nay giá vàng thế giới đã chịu áp lực bán ra nhằm chốt lời, bởi thông tin kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ghi nhận mức tăng trưởng 2% trong quý 2/2021 trong bối cảnh nhiều nước dỡ bỏ các hạn chế để phòng, chống dịch Covid-19.

So với cùng kỳ năm 2020, nền kinh tế Eurozone đạt mức tăng trưởng 13,7%. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp của khu vực trong tháng 6 giảm xuống còn 7,7%, thấp hơn 0,3% so với tháng 5. Chốt tuần, giá vàng thế giới vẫn tăng 9 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.

Nhận định của chuyên gia, giá vàng thế giới dù giảm mạnh trong phiên sáng nay nhưng thị trường đang có yếu tố trái chiều. Kinh tế tăng trưởng tích cực đang khiến vàng thì lạm phát lại đang là yếu tố hỗ trợ cho kim quý. Hiện chính sách của Fed đang khiến đồng USD trượt giá trong giỏ những đồng tiền chính thanh toán quốc tế và lạm phát vẫn tăng và kéo dài theo nhận định của Fed sẽ hỗ trợ vàng tăng trở lại trong thời gian tới.

Mặc dù vàng vẫn được hỗ trợ, nhưng chuyên gia khuyến cáo là không nên bỏ tiền vào một kênh đầu tư. Bởi giá tăng cao hơn mục tiêu, do chi phí năng lượng và chuỗi cung ứng bị đứt gãy sẽ làm diễn biến thị trường khó đoán định.

Tuần qua, thị trường vàng trong nước chứng kiến sự đóng cửa giao dịch trực tiếp của các cơ sở kinh doanh vàng bạc ở một số tình thành phố để phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Tuy nhiên, các cơ sở vẫn giao dịch online đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Nhận định của chuyên gia, thị trường không quá sôi động, song một số đơn vị đã đẩy giá chiều bán quá cao, đó là những bất thường trên thị trường vàng trong nước.

Tính chung trong tuần, trên thị trường tự do, giá vàng SJC đã giảm 250.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.

Vàng SJC niêm yết tại Doji lại tăng 380.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Tại Phú Quý chỉ đi ngang giá so với giá mở cửa tuần.

Nhìn vào mức niêm yết giá này, nhà đầu tư hoặc người dân cần lựa chọn cơ sở đảm bảo giá cả hợp lý để mua vào, tránh rủi ro.

Giá xăng, dầu đồng loạt giảm

Tại kỳ điều chỉnh ngày 27/7, liên bộ Tài chính - Công Thương thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với một số loại dầu ở mức: dầu diesel trích lập 200 đồng/lít, dầu hỏa trích lập 300 đồng/lít, dầu mazut trích lập 300 đồng/kg.

Chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: cụ thể, đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 1.250 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 300 đồng/lít, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut không chi.

Tiêu dùng trong tuần (từ 26/7-1/8/2021): Giá thịt lợn bất ngờ tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

- Xăng E5RON92: không cao hơn 20.498 đồng/lít (giảm 112 đồng/lít so với giá hiện hành)

- Xăng RON95-III: không cao hơn 21.681 đồng/lít (giảm 102 đồng/lít so với giá hiện hành)

- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 16.375 đồng/lít (giảm 162 đồng/lít so với giá hiện hành);

- Dầu hỏa: không cao hơn 15.398 đồng/lít (giảm 105 đồng/lít so với giá hiện hành);

- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 15.522 đồng/kg (giảm 148 đồng/kg so với giá hiện hành).

Việc trích lập và chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu áp dụng từ 15 giờ 00 ngày 27/7/2021.

Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (12/7), liên bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với tất cả loại xăng, trích quỹ cho dầu diesel 200 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít, dầu mazut 300 đồng/kg. Đồng thời, liên Bộ chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 1.300 đồng/lít và xăng RON 95 ở mức 350 đồng/lít, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut không chi.

Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trên, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định tăng giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu, cụ thể: 

Xăng E5 RON92 không cao hơn 20.610 đồng/lít (tăng 850 đồng/lít); Xăng RON95-III không cao hơn 21.783 đồng/lít (tăng 867 đồng/lít); 

Dầu diesel 0.05S không cao hơn 16.537 đồng/lít (tăng 418 đồng/lít). Dầu hỏa không cao hơn 15.503 đồng/lít (tăng 452 đồng/lít); Dầu mazút 180CST 3.5S không cao hơn 15.670 đồng/kg (tăng 221 đồng/kg).

Hà Nội: Giá thịt lợn bất ngờ tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg

Theo ghi nhận ngày 30/7, nhiều chợ dân sinh tại Hà Nội bắt đầu phát phiếu để kiểm soát chặt chẽ người dân ra vào chợ. Dù lượng người đi chợ khá vắng vẻ, nhưng các mặt hàng lại có sự biến động tăng mạnh.

Tiêu dùng trong tuần (từ 26/7-1/8/2021): Giá thịt lợn bất ngờ tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Khảo sát tại một số chợ dân sinh như Khương Thượng (Q.Đống Đa), Vĩnh Tuy (Q.Hai Bà Trưng), Đồng Xa (Q.Cầu Giấy), Giang Biên (Q.Long Biên)… nhiều mặt hàng cũng tăng giá chóng mặt. Cụ thể, thịt lợn mông, ba chỉ, nạc vai tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, từ 120.000 lên 150.000 đồng/kg; thịt bò, thăn, bắp tăng 40.000 đồng, từ 260.000 đồng/kg lên 300.000 đồng/kg. Các loại rau xanh cũng tăng giá nhẹ, dưa chuột từ 15.000 - 20.000 đồng/kg tăng lên 40.000 đồng/kg; đậu phụ từ 3.000 đồng/bìa, lên 4.000 đồng/bìa; bí xanh, bắp cải tăng từ 18.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg…

Tại chợ Nhân Chính (Q.Thanh Xuân), chỉ sau 1 đêm, giá gà ta đã tăng thêm 10.000 đồng/kg. Trong đó, gà sống giá 150.000 đồng/kg, gà làm sẵn 180.000 đồng/kg. So với cách đây 1 tuần, trước khi Hà Nội thực hiện giãn cách, giá gà đã tăng thêm 20.000 đồng/kg.

Theo anh Đỗ Văn Dự, tiểu thương bán gia cầm tại chợ Nhân Chính, bình thường quầy gia cầm bán cả ngày, tuy nhiên, những ngày qua hàng về ít hơn, lượng khách cũng vắng nên chỉ bán buổi sáng, buổi chiều bán cách nhật. “Mỗi ngày, tôi bán được 40 con gà, vịt, chủ yếu cho khách quen. Nhiều người lo ngại dịch bệnh mua một lần 2 - 3 con về ăn dần”, anh Dự nói.

Đáng chú ý, mặt hàng tăng mạnh nhất là trứng gà ta, trước giãn cách, giá trứng chỉ 30.000 - 35.000 đồng/chục, sáng nay đã tăng giá lên 55.000 - 60.000 đồng/chục. Một tiểu thương bán trứng tại chợ Vĩnh Hồ (Q.Đống Đa), cho hay: “Giá tăng cao quá, tôi phải dừng nhập vì có lấy cũng khó bán. Chưa kể, chẳng may vỡ vài quả, coi như lại lỗ. Đa số người dân đã mua tích trữ từ trước khi giãn cách”.

Việc giá bất ngờ tăng, khiến nhiều người dân đi chợ ngỡ ngàng, chị Kiều Thu Hồng, ở phố Hoàng Văn Thái (Q.Thanh Xuân), than thở: “Sáng nay tôi đi chợ, nghe rau thịt tăng giá mà không tin vào tai mình. Mấy tháng nay, thu nhập của gia đình đã bị cắt giảm, ăn uống, chi tiêu đều phải tiết kiệm. Những người lao động như chúng tôi đi chợ dân sinh mua hàng cho rẻ, mà giờ giá ở chợ cũng đắt ngang siêu thị”.

Lý giải về việc gà tăng giá bất ngờ, Anh Đỗ Văn Dự, tiểu thương bán gia cầm tại chợ Nhân Chính kể trên, cho hay: “Gà nhà tôi thường lấy từ các mối buôn ở Hòa Bình, mấy ngày hôm nay lực lượng chức năng ở Hòa Bình và Hà Nội làm rất chặt, các chốt kiểm soát có từ xã, đến huyện, gà vào được chợ cũng rất khó khăn. Do phải qua nhiều trạm kiểm soát, một số mối hàng nghỉ không giao hàng, nên giá đội lên”.

Theo các tiểu thương, có nhiều nguyên nhân khiến hàng hóa ở chợ dân sinh tăng giá. Ngoại trừ mặt hàng trứng do khan hiếm nguồn hàng, các loại thực phẩm, rau xanh tăng giá còn do khâu vận chuyển vào nội thành khá khó khăn và thêm một lý do nữa là chợ đầu mối Đền Lừ tạm đóng cửa vì có ca F0.

Đối với mặt hàng thịt lợn, nhiều người bán hàng cho biết do nhà cung cấp thịt lợn lớn cho thị trường toàn quốc là Vissan dừng hoạt động vì có ca F0 nên dẫn đến thị trường bị ảnh hưởng.

Giá thanh long giảm mạnh

Cập nhật đến sáng nay, 27/7, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT đang hỗ trợ 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 kết nối, tiêu thụ nông sản, thực phẩm cho biết, giá nhiều loại trái cây đang giảm sâu, dù khó khăn trong vận chuyển nông sản, thực phẩm đã từng bước được tháo gỡ.

Tiêu dùng trong tuần (từ 26/7-1/8/2021): Giá thịt lợn bất ngờ tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Cụ thể, với trái thanh long, tại Bình Thuận hiện nay, nhiều cơ sở thu mua thanh long không xuất được hàng nên mua vào rất chậm. Một số cơ sở thu mua thanh long đã đóng cửa khiến giá thanh long giảm xuống chỉ còn 10.000 đồng/kg.

Còn tại Đồng Nai, khó khăn trong vấn đề đi lại, di chuyển thu mua giữa các vùng, các tỉnh, thành phố cũng khiến số thương lái thu mua Thanh Long giảm nhiều hơn so với trước đây. Nông dân phải tìm cách bán nông sản cho các cơ sở thu mua nhỏ, lẻ.

Giá thanh long tại Đồng Nai giảm sâu nhất so với nhiều loại trái cây khác, chỉ còn 4.000 đồng/kg. Cũng theo ghi nhận tại các nhà vườn, sau thanh long, quả chôm chôm đang rơi vào tình trạng khó tiêu thụ và đang cần được hỗ trợ.

Còn tại Ninh Thuận, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT cũng ghi nhận, một số loại nông sản bị ngưng lại không thu mua, hoặc lượng thu mua giảm nhiều như: nha đam, măng tây, nho, táo, rau các loại, hành, tỏi.

Trong khi đó, tại Long An, việc tiêu thụ một số nông sản như lúa, chanh gặp nhiều khó khăn do thương lái thu mua nông sản ngại di chuyển. Trong khi đó, thương lái từ các tỉnh khác không được vào Long An dù cung cấp đủ giấy tờ cần thiết (kết quả xét nghiệm âm tính..).

Theo Tổ công tác 970, nguyên nhân nhiều loại trái cây tại một số tỉnh phía Nam giảm giá mạnh, tiêu thụ chậm do hiện nay số thương lái, cơ sở thu mua ít hơn hẳn trước đây. Thực hiện quy định phòng dịch Covid-19, lái xe phải làm xét nghiệm Covid-19, đẩy chi phí vận chuyển tăng, mất nhiều thời gian lưu thông nên nhiều cơ sở thu mua tạm thời đóng cửa.

Cũng theo Tổ công tác 970, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phức tạp, TP Hồ Chí Minh chưa thể mở lại các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn. Trước giãn cách , chợ đầu mối Bình Điền mỗi ngày tiêu thụ 1.500 tấn thủy hải sản, 1.000 tấn rau củ quả; chợ Móc Môn tiêu thụ 5.000 con lợn và 2.500 tấn rau củ quả; chợ Thủ Đức tiêu thụ 4.000 tấn rau, quả. 

Tỏi Lý Sơn rớt giá thê thảm

Hàng nghìn nông dân ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang khốn khổ vì sản phẩm tỏi tắc đầu ra.

Suốt hai tháng qua, du khách đến địa phương này giảm mạnh khiến thị trường bán lẻ hành, tỏi nơi đây gặp nhiều khó khăn. Sức tiêu thụ chậm khiến 1.800 tấn tỏi còn tồn kho trong nhà dân trên địa bàn.

Tiêu dùng trong tuần (từ 26/7-1/8/2021): Giá thịt lợn bất ngờ tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ông Trần Văn Lành (ngụ huyện đảo Lý Sơn) cho biết từ trước đến nay, sản phẩm tỏi bán cho du khách và thương lái thu mua đưa đi tiêu thụ khắp nơi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh, cả hai hướng tiêu thụ này đang bị tắc nghẽn.

"Hiện mỗi kg tỏi từ 150.000 đồng rớt xuống chỉ còn 30.000 đồng nhưng rất ít người mua. Nông sản rớt giá khiến nhiều nông dân trồng tỏi bị lỗ nặng", ông Lành nói.

Trước tình hình này, ông Đặng Tấn Thành, Phó chủ tịch huyện Lý Sơn kiến nghị cơ quan chức năng Quảng Ngãi tìm cách kết nối với các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiêu thụ tỏi cho nông dân Lý Sơn với mức giá hợp lý.

Hưởng ứng lời kêu gọi của huyện đảo Lý Sơn, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi huy động hàng trăm tình nguyện viên kết nối trực tuyến tiêu thụ tỏi giúp nông dân nơi đây.

Anh Cao Lê Tùng Nghĩa, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, cho hay đơn vị này đang kết nối hỗ trợ nông dân Lý Sơn tiêu thụ khoảng 10 tấn tỏi, mỗi ký giá 50.000 đồng (bao gồm giá vận chuyển vào đất liền). "Khách hàng đăng ký mua tỏi trực tuyến, các tình nguyện viên chuyển sản phẩm đến tận nhà miễn phí", anh Nghĩa cho biết thêm.

Giá tôm càng xanh, cua biển giảm mạnh

Tại các huyện vùng U Minh Thượng (Kiên Giang), giá tôm càng xanh, cua biển nuôi đang sụt giảm từng ngày. Cua biển nuôi một phần xuất đi Trung Quốc, còn lại tiêu thụ trong nước. Còn tôm càng xanh chỉ tiêu thụ nội địa. Do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhà hàng, quán ăn đều đóng cửa nên thị trường tiêu thụ rất hạn chế.

Tiêu dùng trong tuần (từ 26/7-1/8/2021): Giá thịt lợn bất ngờ tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Mặc dù vẫn còn thương lái đi thu mua nhưng giá hiện đã giảm khá sâu. Cụ thể, ngày 26/7, giá tôm càng xanh loại 20 - 30 con/kg thương lái thu mua chỉ ở mức hơn 100.000 - 120.000 đồng/kg. Còn giá cua biển cũng giảm xuống dưới 100.000 đồng/kg.

Theo các chủ đầm nuôi tôm cũng như thương lái cho biết, hiện các mặt hàng tôm sú, tôm thẻ và cua tiêu thụ tạm ổn tại địa phương cũng như một số điểm tại TP Hồ Chí Minh. Riêng tôm càng xanh đang tắc đầu ra, do đây là mặt hàng tiêu thụ nội địa, trong khi các nhà hàng quán ăn đã đóng cửa nên không có đầu ra.

Tôm càng xanh cũng không thể thu hoạch lẻ để bán chợ được, mỗi lần phải thu từ 500 kg đến 1 tấn. Do đó, giá tôm càng xanh 12 con/kg giảm mạnh còn khoảng 90.000 – 100.000 đồng/kg (so với trước đó khoảng 120.000 đồng/kg). Riêng tôm thẻ loại 30 con, giá hiện 130.000 đồng/kg, ổn định so với tuần trước.

Theo anh Trần Phi Tiễn, ở xã Đông Hòa, huyện An Minh, giá cua y (cua thịt) sáng ngày 26/7 chỉ còn 60.000 ngàn đồng/kg, giảm 2/3 so với thời điểm đầu năm. Do giá quá thấp, nhiều hộ đã bắt bán đành thả lại vuông nuôi tiếp, chờ thời.

Ông Trịnh Tài Mon, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cho biết: Nông dân trong huyện đang có sản lượng tôm càng xanh khoảng 940 tấn, 45 tấn tôm sú, 114 tấn tôm thẻ và 15 tấn cua.

"Hiện nay, việc đi lại đã tương đối thông thoáng hơn. Tuy nhiên do thực hiện giãn cách xã hội nên nhân công thu hoạch khó khăn. Chúng tôi cũng cố gắng thu xếp như cho test nhanh, chính quyền xác nhận để bà con thu hoạch thủy sản", ông Mon cho biết.

Theo của Sở NN&PTNT Kiên Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp và cân đối nhu cầu tiêu thụ nông sản của địa phương thì từ nay đến hết tháng 8/2021, nông dân trong tỉnh sẽ thu hoạch khoảng gần 4.000 tấn cua biển nuôi. Trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 500 tấn, còn lại khoảng gần 3.500 tấn cần kết nối với các địa phương trong vùng để tiêu thụ. Tương tự, lượng tôm càng xanh thu hoạch khoảng 2.000 tấn, tiệu thụ trong tỉnh cũng chỉ khoảng 500 tấn, còn lại cần tìm thị trường tiêu thụ.

Tags:
4.1 27 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan
Tỷ giá

Tài chính - Ngân hàng

Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD tăng mạnh, ở mức 107,05
(Tieudung.vn) - Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024, đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 13 tháng, ở mức 107,05.
 
Giá vàng ngày 22/11/2024: Vàng tăng đến 1 triệu đồng/lượng
(Tieudung.vn) Giá vàng ngày 22/11/2024, trên thế giới giá vàng phục hồi ấn tượng nhờ căng thẳng địa chính...
 
HDBANK đạt ba giải thưởng tại cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2024
(Tieudung.vn) HDBank đã xuất sắc đạt ba giải thưởng danh giá tại Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết...

Giá - Sản phẩm

Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Ổn định trên cả nước
(Tieudung.vn) - Giá heo hơi ngày 22/11/2024, ổn định trên cả nước, dao động trong khoảng 60.000 - 63.000 đồng/kg.
 
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê và hồ tiêu cùng bật tăng mạnh
(Tieudung.vn) Giá nông sản ngày 22/11/2024, cà phê tăng mạnh trở lại, mức tăng từ 1.700 1.800 đồng/kg....
 
Giá xăng giảm nhẹ, RON 95 giảm về 20.528 đồng/lít
(Tieudung.vn) Chiều 21/11, liên Bộ Công Thương-Tài chính thông báo về điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, giá...
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.66513 sec| 934.875 kb